Điểm sáng giáo dục Hiệp Đức

Đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục là một phần lớn trong sự nghiệp phát triển của huyện Hiệp Đức.

Hoàn thiện cơ sở vật chất

Thầy giáo Mai Văn Cưu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị trấn Tân An) không khỏi tự hào khi kể về những đổi thay của ngôi trường mình. Hơn 15 năm từ ngày thầy về nhận công tác, từ một ngôi trường còn nhiều thiếu thốn, cơ sở vật chất nghèo nàn đến nay, Trường Tiểu học Lê Văn Tám đã được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1 và đang chuẩn bị điều kiện, đầu tư để cuối năm nay trở thành trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hiện Trường Lê Văn Tám là trường tiểu học loại 1 duy nhất của huyện có 2 phân hiệu và có đầy đủ giáo viên dạy chuyên trách các bộ môn năng khiếu, âm nhạc, thể dục, vẽ, tiếng Anh; 100% học sinh từ khối lớp 3 đến khối lớp 5 đã được học Tin học; Ngoại ngữ cũng được đưa vào dạy cho học sinh từ lớp 1 - 5. Kết quả, năm học 2014 - 2015 đội tuyển môn tiếng Anh của trường đại diện cho huyện đi thi giao lưu tiếng Anh cấp tiểu học toàn tỉnh đoạt giải nhì…. Có được những thành tích trên, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của tập thể nhà trường và sự ủng hộ đóng góp của phụ huynh học sinh thì nguồn lực hỗ trợ từ huyện và ngành giáo dục đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị. Đến nay, ngoài nhà đa năng đã được đầu tư xây dựng (khoảng 1,2 tỷ đồng) huyện đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhiều phòng học chức năng, mua sắm trang thiết bị dạy học với số tiền 3,171 tỷ đồng từ nhiều nguồn kinh phí nhằm hướng đến xây dựng Trường Lê Văn Tám đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2 vào năm 2017. “Chúng tôi luôn có được sự quan tâm đầu tư của các cấp ngành địa phương nên rất yên tâm trong công tác giảng dạy nhằm thực hiện tốt mục tiêu mà bao đời hiệu trưởng luôn theo đuổi là Tất cả vì học sinh thân yêu” - thầy Cưu chia sẻ.

Việc đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học đã giúp giáo dục Hiệp Đức có những bước tiến mạnh mẽ. Ảnh: KHÁNH LINH
Việc đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học đã giúp giáo dục Hiệp Đức có những bước tiến mạnh mẽ. Ảnh: KHÁNH LINH

Sau 30 năm thành lập huyện, toàn cảnh giáo dục của Hiệp Đức đã có những thay đổi mạnh mẽ với trên 67% phòng học đã được kiên cố, tình trạng trường lớp tạm không còn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương ngày càng tốt hơn. Theo Ông Hoàng Văn Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hiệp Đức, tính đến năm 2015, tổng số phòng được xây dựng kiên cố trên toàn huyện là 222 phòng, đạt tỷ lệ 67,5%. Ngoài ra, việc trang bị mua sắm đồ chơi, thiết bị dạy học cho khối mầm non đều được đảm bảo thường xuyên, riêng năm 2014 đã có hơn 1,3 tỷ đồng (gồm 410 triệu đồng từ kinh phí chương trình mục tiêu và 890 triệu đồng từ ngân sách huyện) đã được đầu tư mua sắm đồ chơi, trang thiết bị dạy học cho trẻ em mầm non tại các trường trên địa bàn huyện.

Điểm sáng

“Một trong những kết quả mà tôi đánh giá cao trong phát triển giáo dục của huyện Hiệp Đức những năm qua chính là chất lượng giáo dục đã có sự phát triển khá đồng đều thể hiện qua kết quả thi học sinh giỏi các cấp; thể hiện qua thực hiện chủ trương đổi mới  căn bản toàn diện giáo dục. Đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng giáo dục và quan tâm đến lợi ích học sinh… Chính những điều này đã giúp cho ngành giáo dục Hiệp Đức có những bước chuyển khá rõ, góp phần vào sự phát triển chung của sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà”.
(Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT)

Năm 2005 toàn huyện chỉ có 3 trường đạt chuẩn thì đến nay có 11 trường đạt chuẩn quốc gia (một trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2). Đặc biệt, chỉ riêng 2 năm 2013 - 2015 đã có 5 trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn. Ông Hoàng Văn Hùng cho rằng, trong xây dựng trường chuẩn quốc gia khó nhất vẫn là cơ sở vật chất trường học và công tác xã hội hóa giáo dục. Thời gian qua, bằng việc lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư cũng như chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học nên chất lượng giáo dục các cấp đã được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, sự ra đời của đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2013- 2020 của huyện với lộ trình và nguồn lực đầu tư cụ thể đã tạo điều kiện rất lớn để việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được thuận lợi hơn. “Hiệu quả nhất của đề án là đã xác định được lộ trình cụ thể trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cùng với đó, kinh phí cũng chủ động hơn, quan trọng nhất là phát huy được tính chủ động, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc đầu tư trường chuẩn để phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm 9 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2, để nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện lên 80%” - ông Hùng nói.      

Theo ông Phan Thái Bình -  Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức, việc xây dựng trường chuẩn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của huyện và đã được cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Huyện ủy trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Những năm qua, bên cạnh ban hành các chủ trương chính sách để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển, Hiệp Đức cũng đã huy động hàng chục tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa trường lớp; đã chấm dứt tình trạng học 3 ca, tạm bợ; hệ thống trường lớp được bố trí sắp xếp hợp lý, giảm dần và đi đến không còn lớp ghép; xây dựng hệ thống giao thông, giảm các trường thôn trường lẻ. “Từ kết quả giáo dục sau 30 năm thành lập huyện, trong những năm tới huyện sẽ tập trung vào một số định hướng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; sử dụng định biên biên chế hợp lý, bố trí sắp xếp hiệu quả đúng quy định; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là cấp mầm non; tăng cường khuyến học khuyến tài huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho việc học của con em; phấn đấu 100% xã có trường mẫu giáo nhằm hướng đến đảm bảo ổn định việc học và dạy học của giáo viên học sinh…” - ông Bình cho biết.

KHÁNH LINH (Theo baoquangnam.com.vn)

Tin liên quan