1. Trung tâm Y tế huyện
a) Chủ động tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh sởi; giám sát chặt chẽ, thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.
b) Khẩn trương tổ chức triển khai chiến dịch chủng tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh sởi năm 2025 trên địa bàn huyện và hoàn thành chiến dịch chậm nhất ngày 20/3/2025.
c) Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh, nâng cao sức khỏe Nhân dân; tăng cường tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị bệnh sởi ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
d) Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống. Bảo đảm đầy đủ Vitamin A liều cao, thuốc, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Thực hiện tốt việc phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
đ) Chỉ đạo các Trạm y tế, Phòng khám ĐKKV Việt An triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi.
e) Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Kịp thời báo cáo tình hình dịch bệnh tại địa phương về UBND huyện (qua Văn phòng HĐND&UBND huyện) để chỉ đạo kịp thời.
2. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện: Chủ trì, phối hợp với ngành Y tế tổ chức truyền thông tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường TH và THCS về bệnh sởi; thực hiện việc theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; tuyên truyền, vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch.
3. Phòng VH,KH&TT, Trung tâm VH-TT-TT huyện: Phối hợp với ngành Y tế, các địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống cho cá nhân, cộng đồng, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông tới người dân như họp thôn, tổ, họp dân, phát trên loa phát thanh xã, thị trấn, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi.
4. Phòng TC-KH huyện: Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tham mưu UBND huyện đảm bảo kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
5. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện: Phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân tham gia tích cực; trực tiếp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận hộ gia đình, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành Y tế.
6. UBND các xã, thị trấn
a) Chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với các hội, đoàn thể thuộc địa bàn huy động lực lượng phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi; trong đó có hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch bệnh sởi; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý.
b) Cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; UBND xã, thị trấn và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội huyện tổ chức thực hiện tốt.
(Nguồn: Trích Công văn số 184/UBND-VP ngày 11/3/2025 của UBND huyện Hiệp Đức)