Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Hiệp Đức được thành lập theo Quyết định số 3623/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam, đến năm 2018 trở thành đơn vị sự nghiệp giáo dục phổ thông chịu sự quản lý toàn diện và trực tiếp của UBND huyện Hiệp Đức. Hiện nay, nhà trường có tổng số 40 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, 12 nhân viên cấp dưỡng cùng 408 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Qua kiểm tra cho thấy, trong thời gian qua nhà trường cùng với đội ngũ cấp dưỡng đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh theo đúng chế độ, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho học sinh. Tại bếp ăn tập thể, vị trí để bếp phù hợp, bếp được bố trí theo nguyên tắc một chiều, trang thiết bị dụng cụ luôn được vệ sinh sạch sẽ, nguồn nước cung cấp phục vụ chế biến và sử dụng được đảm bảo. 100% nhân viên cấp dưỡng có trang phục bảo hộ lao động, được khám sức khỏe định kỳ theo quy định và tập huấn kiến thức về ATTP; nguồn gốc nguyên liệu được niêm yết và công khai tại nhà trường. Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn Kiểm tra cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác bảo đảm ATTP, bếp ăn tập thể, nhà vệ sinh khu ký túc xá, bể tắm cho học sinh... và đã yêu cầu nhà trường nghiêm túc tiếp thu và nhanh chóng có biện pháp khắc phục trong thời gian đến.
Đoàn kiểm tra tại bếp ăn tập thể trường học
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu: Nhà trường cần tăng cường hơn nữa công tác y tế trường học, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh và công tác ATTP, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh trong bữa ăn học đường, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền kiến thức ATTP, đặc biệt là nhân viên cấp dưỡng, người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm.
Đoàn kiểm tra thăm hỏi, động viên các em học sinh tại ký túc xá trường
Đoàn kiểm tra suất ăn bán trú tại trường
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cũng nhấn mạnh: Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Hiệp Đức là nơi học tập, nuôi dưỡng hơn 400 học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn huyện. Vì vậy, ngoài việc tạo dựng một môi trường học tập tốt, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường cần phải tăng cường hơn nữa việc rèn luyện các kỹ năng sống cho các em như kỹ năng tự phục vụ, tự quản lý, sắp xếp, bảo quản và sử dụng đồ dùng cá nhân gọn gàng, ngăn nắp, kỹ năng vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường... thông qua các hoạt động giáo dục ngoại khóa, phát động các cuộc thi trang trí, phòng ở sạch đẹp, trồng cây xanh…. Điều này không chỉ tạo ra môi trường xanh - sạch - đẹp, mà giúp các em rèn luyện kỹ năng lao động, kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt tập thể.